Tác giả Chủ đề: Ấm lòng bữa cơm 2.000 đồng  (Đã xem 1826 lần)

0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.

Ngủ rồi nguoithuhaihai

Trả lời #1 vào: 27-07-2015 21:53:11
Những bữa cơm 2.000 đồng không chỉ giúp người nghèo tiết kiệm mà còn cảm nhận được sự quan tâm của xã hội, tiếp thêm động lực vươn lên giúp đỡ người khác

Nhiều năm qua, các quán cơm xã hội 2.000 đồng liên tục được thành lập phục vụ những bữa cơm đủ dinh dưỡng giá rẻ hoặc miễn phí cho người khó khăn. Quán cơm 2.000 đồng đầu tiên ở cư xá Lữ Gia (phường 15, quận 11) sau gần 8 năm hoạt động đã trở thành mô hình “chuẩn” cho những quán cơm từ thiện khác ở TP HCM.

Chia sẻ với người nghèo
Trưa 22-7, khoảng 30 người bán vé số, nhặt ve chai xếp hàng trước quán ở số 54/21 đường số 281, phường 15, quận 11 để mua cơm với giá 2.000 đồng. Điều khiển chiếc xe lăn, ông Phạm Văn Lâm (68 tuổi, quê tỉnh Quảng Ngãi, làm nghề bán vé số) đến bàn mua phiếu. Ông Lâm được nhân viên quán tận tình phục vụ, đưa phần cơm gồm một món mặn, canh và trái cây tráng miệng. Ông Lâm vào TP HCM bán vé số gần 20 năm và 2 năm trở lại đây, ông đã là khách quen của quán cơm này. “Giá thì rẻ như biếu không, đồ ăn hợp vệ sinh lại được phục vụ chu đáo. Quán này đã cưu mang những người nghèo khó xa quê mưu sinh như chúng tôi” - ông Lâm chia sẻ.

Ông Lê Văn Hán, quản lý quán cơm, cho biết quán được mở vào năm 2008 ở cư xá Lữ Gia, sau đó chuyển về địa chỉ này từ năm 2012. Những ngày đầu, quán chỉ phục vụ cho sinh viên vào các ngày thứ hai, tư, sáu hằng tuần. Chủ quán trước đây từng là sinh viên nên khi thành đạt muốn giúp đỡ những sinh viên còn khó khăn. Dần dà có nhiều người nghèo đến ăn nên quán tăng thêm số lượng phục vụ. “Những ngày đầu mở quán gặp nhiều khó khăn, thủ tục lập quán rất nhiêu khê, hàng xóm thì dị nghị... Nhiều người ý thức kém đã văng tục chửi thề trong quán, ăn xong không dọn, mình nhắc nhở nhiều lần họ mới tự giác, quán ăn dần đi vào nền nếp” - ông Hán kể lại.
Mọi người dù sang hay nghèo đều có thể đến quán để cùng ăn những phần cơm như nhau. Ông Nguyễn Văn Nghĩa, chủ mặt bằng quán cơm, cho biết thêm: “ Có nhiều người bị bệnh hiểm nghèo đến đây. Thấy mọi người ăn ngon miệng, hài lòng, mình cũng vui lây”.

Tình thương lan tỏa
Với mô hình tương tự quán cơm ở số 54/21, vào trưa các ngày thứ ba, năm, bảy trong tuần, căn nhà số 14/1 Ngô Quyền, phường 5, quận 10 luôn nhộn nhịp với tiếng cười, tiếng trò chuyện vui vẻ giữa tình nguyện viên và các thực khách. Quán cơm 2.000 đồng ở địa chỉ này được mở từ năm 2009 do các thành viên nhóm từ thiện “Người tôi cưu mang” thành lập.

Lý giải về giá bán 2.000 đồng, ông Nguyễn Hồng Ánh, quản lý quán cơm, tâm sự: Bán giá như thế để người mua (chủ yếu là người nghèo) không chạnh lòng bởi họ có quyền được phục vụ như mọi khách hàng. Trung bình mỗi buổi trưa quán bán từ 400 - 500 phần cơm với đủ món mặn, xào, canh và tráng miệng. Khi có mạnh thường quân đến ủng hộ sữa thì quán phát kèm theo. Tối thứ bảy hằng tuần, quán tổ chức thêm chương trình phát bánh mì cho người lao động nghèo đang mưu sinh trên đường phố.

Theo ông Ánh, người có tiền đến quán để quan sát, thăm hỏi rồi từ đó thông qua quán giúp đỡ người khác, còn người nghèo đến để no cái bụng. Trong buổi trưa cuối tuần tại quán này, chúng tôi bắt gặp cậu bé Joseph Nguyễn Inguillo (ngụ phường Tân Quy, quận 7) đến ủng hộ quán ăn 500.000 đồng. Cậu bé này “khoe”: Vào năm 2014, cậu được mẹ dẫn đến quán làm từ thiện, rồi từ đó cậu để dành tiền lì xì, tự đến quán ủng hộ.

Ông Nguyễn Hồng Ánh kể nhiều chuyện diễn ra tại đây làm ông rất vui lòng. Nhiều người nghiện ma túy, bị HIV hay trộm cắp... ở ngoài đường thì hầm hố, hung tợn nhưng khi vào quán cũng phải trật tự, xếp hàng. Nhiều thanh niên xăm trổ đầy mình vào quán nhiều lần đã biết nhường nhịn người già, người khuyết tật. “Khi thường xuyên chứng kiến cảnh mọi người nhường nhịn, quan tâm đến nhau thì con người dù hung hăng thế nào cũng tự uốn nắn cách hành xử” - ông Ánh chiêm nghiệm.

_________________________________
Người thành công giúp người nghèo
Giữa quán ăn 2.000 đồng ở số 14/1 Ngô Quyền treo tấm băng-rôn có dòng chữ: “Thành công mong bạn nhớ anh em còn khó khăn”. Ông Ánh cho rằng những lời trên nhắc nhở những người nghèo đến quán phải có động lực vươn lên để giúp đỡ mọi người khi thành đạt. Nhiều sinh viên sau khi ra trường, có việc làm ổn định đã trở lại quán ủng hộ tiền, hàng để giúp đỡ người khác.

Nhóm từ thiện “Người tôi cưu mang” từng giúp chị Mai Trâm (quê tỉnh Tiền Giang) - người bị liệt 2 chân, một mình nuôi 2 con nhỏ. Chị Trâm đã được động viên, dạy nghề và đã có việc làm ổn định. Chị Trâm đã quay lại quán giúp đỡ những người có hoàn cảnh giống mình ngày xưa. Con gái chị Mai Trâm học ở quê khi nghỉ hè cũng lên phụ giúp quán cơm.
                                                                                           
 Bài và ảnh: SỸ ĐÔNG
                                                                              (Báo Người lao động, 26/07/2015 20:54 )
                                                  http://nld.com.vn/ban-doc/am-long-bua-com-2-000-dong-20150726203532712.htm